Luôn xuất hiện với hình ảnh chỉnh chu cùng thu nhập khủng nhưng những người làm công việc KOLs cũng phải đón nhận rất nhiều áp lực từ dư luận.
KOLs là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “key opinion leader “, tạm dịch là “người có sức ảnh hưởng”. Bất kỳ một cá nhân hay tổ chức có kiến thức chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ đều có thể trở thành KOLs.
Hiện nay, KOLs không còn là khái niệm xa lạ trong ngành truyền thông, quảng cáo, marketing. Những người theo đuổi nghề này luôn xuất hiện với hình ảnh lung linh, đi du lịch, trải nghiệm khắp mọi nơi trên thế giới chỉ với vài nội dung PR cho các nhãn hàng. Tuy nhiên, nghề KOLs có phải là công việc “làm dễ, kiếm tiền nhiều” như những gì mọi người được thấy trên các video, clip?
Làm KOLs có dễ?
KOLs được chia thành 3 nhóm chính là Celebrity (những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên…), Influencer (là những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đến từ các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể trở thành một influencer) và Mass Seeder (là những người có sức ảnh hưởng ở những nhóm khách hàng nhỏ lẻ).
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ không hoạt động nghệ thuật trở thành KOLs và đa số thuộc nhóm Influencer. Đây là nhóm đối tượng hoạt động trực tuyến, đặt tên và phát huy ảnh hưởng của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội, blog để thu hút được một lượng người quan tâm và theo dõi nhất định.
Thực tế, ai cũng có cơ hội trở thành KOLs trong nhiều lĩnh vực như ẩm thực, sức khỏe, thời trang… chỉ cần đáp ứng đủ những yếu tố như: hiểu thế mạnh của bản thân, xác định công chúng, chuyên môn, đầu tư và sáng tạo nội dung, mức độ lan truyền.
Về bề nổi, quả thật nghề KOLs có vẻ dễ dàng hơn các ngành nghề khác. Chỉ cần vài tấm ảnh chụp, vài đoan clip thì ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, để tạo ra được dấu ấn, bản sắc của mỗi cá nhân giữa hàng trăm KOLs khác thì cần sự mày mò, tỉ mỉ và đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, thu nhập chính của các KOLs chủ yếu đến từ các hợp đồng quảng cáo cho nhãn hàng. Vì vậy, họ phải không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức và giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
Làm KOLs kiếm được rất nhiều tiền?
Không thể phủ nhận rằng các KOLs thường có mức thu nhập khủng. Nếu bạn biết vài giờ đi sự kiện của các KOLs có số lượng người theo dõi cao trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Youtube là từ 2.000 – 3.000 USD thì bạn sẽ hiểu được lý do tại sao nhà nhà, người người lại đổ xô đi nuôi mộng ảo tưởng làm “người có sức ảnh hưởng”.
Tuy nhiên, KOLs cũng là ngành nghề với áp lực truyền thông khủng khiếp. Trang cá nhân trên mạng xã hội giúp KOLs kiếm bộn tiền nhưng họ cũng dễ trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Một khi đã xác định trở thành ngôi sao trên mạng xã hội thì bạn cần chuẩn bị tư tưởng để đối mặt hàng loạt rắc rối. Vì thế, bạn cần phải chấp nhận mạo hiểm và rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, có nhiều KOLs còn đối mặt với vấn đề quảng cáo nhưng chưa sử dụng sản phẩm. Rất nhiều KOLs chỉ nhận tiền và PR sản phẩm đó dù chưa từng sử dụng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng cũng như giới KOLs. Và nghiễm nhiên lúc đó, họ lại trở thành những nạn nhân của bạo lực mạng, đứng trước “búa rìu”, “gạch đá” của dư luận.
Sự nổi tiếng cũng đi kèm với cám dỗ. Nhiều KOLs còn bị những người chưa từng biết tới tự ý sử dụng hình ảnh để đăng lên các nền tảng mạng xã hội với mục đích mồi chài khách mua bán dâm, tìm “sugar daddy”.
Việc thường xuyên nhận được những lời mời mọc khiếm nhã, gạ kiếm tiền bất chính dưới các hình thức như: người mẫu “tiệc đen”, “sugar daddy”, đi tour với đại gia, bán ảnh khỏa thân… thì càng không hiếm gặp.
Với những người làm công việc sáng tạo, duy trì nguồn cảm hứng là điều cần phải có. Nhưng với cường độ và lịch trình dày đặc, nghề KOLs không chỉ bào mòn sức khỏe mà còn ăn mòn cảm hứng sáng tạo. Nhiều người đã phải bỏ nghề vì không thể chịu áp lực tứ phía, từ nhãn hàng cho đến các khán giả.
Vậy nên mới nói, KOLs là nghề làm dễ, kiếm nhiều tiền nhưng không phải ai cũng có thể trở thành KOLs. Sức mạnh của truyền thông là con dao hai lưỡi, có thể giúp một người trở nên nổi tiếng, có tiền nhưng cũng có thể “giết chết” họ bằng dư luận.